Tác Giả



Lê Hà



 






LÊ HÀ



“Chuyện vui điện ảnh” là gì?

“Chuyện vui điện ảnh” là một bài báo dài 6 trang, được viết dưới hình thức truyện ngắn, không có tên tác giả, đăng trên Thời Báo Montréal (Canada) số 127, ngày 30.8.2008.

Nội dung của truyện đưa ra nhân vật “chú Sa”, một diễn viên điện ảnh, vì đóng vai một sĩ quan Quân lực VNCH mà bị cả xóm làng lẫn người thân khinh bỉ ghét bỏ.

Cái vai mà “chú Sa” đóng trên phim, được Thời Báo mô tả như sau: “Chú Sa diễn vai thiếu uý Cón (nghe cái tên thôi đã thấy ghét rồi), một tên ác ôn giết vợ, hãm hại vợ người, tàn sát trẻ nít, huênh hoang phá xóm phá làng, sau chết vì bị chó điên cắn.”

Tác giả viết tiếp về đoạn phim có “chú Sa: đóng:

“Hồi đầu mọi người còn khen chú mặc bộ đồ mắc toi đó coi oai thiệt, nhưng rồi sau đó nín bằn bặt, người ta quên chú Sa ở hẻm Cựa Gà đi, chỉ còn lại thằng Cón ác ôn. Thằng Cón cưỡng hiếp vợ người khác đang mang thai. Tới chừng biết đứa bé kia không phải con mình, hắn xé đứa nhỏ làm hai ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng đã giết chị ta.

Phim bạo liệt, trần trụi. Thằng Cón chết, nó cũng không chết bình thường như người ta, nó chết trong dằn vặt. Cái mặt lạnh tanh gớm ghiếc của nó co giật méo xệch, bọt mép sùi sụt. Nó cắn vô mấy thằng lính đứng quanh nó. Điên dại tới lúc bị bắn chết.

Mọi người theo dõi thằng Cón chết, vừa hể hả vừa ghê tởm.”

Trong truyện, “chú Sa” thành thật nghĩ rằng: “Tánh chú, đã làm (tức là đóng phim) thì phải làm cho tới nơi tới chốn, làm cà lơ phất phơ mà nhận năm triệu bạc của người ta thì lương tâm cắn rứt lắm. Hơn nữa, đây là phim chiến tranh, thời chiến tranh biết bao nhiêu thằng ác ôn như vậy, nhiều thằng còn ác hơn, tàn bạo hơn.”

Nhưng, đó mới là chuyện chiến tranh, chuyện trong phim. Còn đây, hơn thế nữa, là chuyện “thật”, có chú Sa làm chứng:

“Ai chớ chú Sa thì rành chuyện bác Tư. Quê bác ở Bình Hưng, coi phim chiến tranh quên sao được cảnh con gái đầu của bác bị thằng Nguyễn Lạc Hoá ở biệt khu Hải Yến moi gan, ăn thịt ngay trước mặt bác. Cũng như trong phim, cầm bằng tan nát hết lòng cha. Mà thằng Hoá ác ôn đó sao mà y chang như thằng Cón ác ôn trong phim, thằng Cón mà chú Sa đóng.”

Nguyễn Lạc Hoá nào, tự nhiên được lôi tên lôi họ, lôi cả xuất xứ (biệt khu Hải Yến) ra đây?

Nguyễn Lạc Hoá, có thể có nhiều người trùng tên, nhưng Nguyễn Lạc Hoá gắn liền với biệt khu Hải Yến, chỉ có một. Đó là Nguyễn Lạc Hoá, một linh mục người Trung-hoa, tị-nạn Cộng sản tại Việt Nam Cộng Hoà, nói tiếng Việt sành sõi, là người lãnh đạo lực lượng dân quân chống Cộng ở đặc khu Hải yến, Cà mau.

LM Augustine Nguyễn Lạc Hoá và lực lượng của Ngài, bao gồm một đại đội người Nùng, tàn binh của Trung-hoa Quốc quốc đảng, và nghĩa quân địa phương, đã càn quét VC ra khỏi căn cứ địa của chúng ở Cà mau, và lập ra xã Bình Hưng. Ngay từ đầu thập-niên 60, tên tuổi LM Nguyễn Lạc Hoá đã vang danh là “linh mục chiến đấu”, và TT Mỹ John F. Kennedy đã ngưỡng mộ Ngài. Chính phủ Phi-luật-tân đã trao giải Ramon Magsaysay cho Ngài. Các phóng viên nhiếp ảnh và truyền hình danh tiếng của Mỹ Dickey Chapelle, Stan Atkinson mô tả Ngài là “nhân vật đặc biệt không thể quên được.” Linh mục Nguyễn Lạc Hoá đã được liệt vào hàng danh nhân thế giói. Ai muốn xem ảnh và đọc tiểu sử của Ngài, xin mời bấm vào: Nguyễn Lạc Hóa

Người Cha tinh thần của Hải Yến đã dũng cảm chống trả hàng chục vụ tấn công biển người của Việt Cộng trong 21 năm chiến tranh. Cha Hoá, người luôn luôn có mặt trên tháp chuông nhà thờ, cũng là tháp đại liên phòng thủ, để trực tiếp chỉ huy trận đánh, mà phần lớn các chiến binh sau này là thanh niên nghĩa quân trong xóm đạo.

Bộ đội, du kích VC mỗi khi tấn công vào Hải Yến, hay các xóm đạo Phong Cốc, Cao Xá, dù lực lượng tấn công mạnh bằng mười lực lượng phòng thủ, cầm bằng như chúng sẽ phải ôm đầu máu chạy ra, sau khi để lại hàng trăm xác chết vắt ngang mương hào phòng thủ.

Cho nên VC thù xóm đạo. Cho nên VC thù các Cha, nhất là Cha Hoá, người hiền từ trên bục giảng và trong đời sống, nhưng khét tiếng cương quyết và rắn rỏi vô cùng khi cầm quân tự vệ. Không có các Cha, VC đã tha hồ san phẳng các xóm đạo và “moi gan” dân lành để “ăn sống”, theo sự thèm khát tự bản chất của chúng, và đã lộ ra khi đem gán ghép cho người khác.

Không giết được Cha Hoá, VC gán cho Cha tội sát nhân, moi gan con gái nhà người ta ra ăn sống trước mặt người thân của cô, và cho cán bộ văn hoá gọi Ngài, một linh mục Công giáo nếu còn sống thì đã 100 tuổi, bằng danh từ khinh bỉ: “thằng Hoá”!

Thật là gớm ghiếc cho những kẻ bịa chuyện, và hơn nữa, cho tờ báo đăng bài đó, nhất là tờ báo sống nhờ tiền quảng cáo của cộng đồng người Việt tị nạn. Còn nỗi đau nào to tát và sâu đậm hơn!..

Còn nhân vật “thiếu uý Cón”?

Cộng Sản Việt Nam tuy chiếm được Miền Nam, nhưng không thu phục được nhân tâm. Tuy thắng, nhưng vẫn còn kinh sợ trước sự chiến đấu dũng cảm của QL/VNCH, một quân lực đã dám trực diện đương đầu và đánh cho quân xâm lăng Trung Cộng một trận tan tác tại quần đảo Hoàng sa năm 1974, trong khi ngày nay quân đội Cộng sản cúi gầm đầu xuống, khuất phục trước cảnh ngoại bang lấn đất, lấn biển. Chính vì vậy là VC bằng mọi cách, bằng mọi giá, bằng mọi phương tiện, kể cả việc phải dùng cả các ổ đặc công văn hoá chưa hoàn toàn lộ diện, đẩy mạnh chiến dịch ném bùn, bôi lọ, hạ nhục hình ảnh hào hùng của Quân lực VNCH, hiện vẫn còn được dân chúng ngưỡng phục và biết ơn.

Guồng máy trí vận, dân vận của VC coi tội ác của bọn “nguỵ” là hiển nhiên, tất yếu, phải có, không thể chối cãi. Hễ “nguỵ” thì phải huênh hoang phá xóm phá làng, phải giết vợ đợ con, phải cưỡng hiếp vợ người khác, phải xé tét con nít ra làm hai, phải moi gan, uống máu.

Những hình ảnh dã man, ghê rợn như dã thú ấy từ đâu ra? Xin thưa, nó xuất phát ngay từ trong những cái đầu thèm máu, thèm thịt người. Nó được diễn ra bằng lời, được hát lên thành tiếng qua bài Quốc Ca của VC: thề “phanh thây uống máu quân thù!”

Mỗi lần hát “quốc ca” là một lần thề phanh thây, thề uống máu. Cho nên trong những cái đầu VC, hình ảnh máu me thịt người đã che khuất hết lương năng. Nhìn đâu cũng thấy thịt. Nhìn đâu cũng thấy máu. Máu tô lên cờ. Cờ máu!

Nhưng đó là Việt Cộng. Việt Cộng trong nước.

Người Việt quốc gia, người Việt không cộng sản không bị ám ảnh bởi lời thề đó, không bị nung nấu trong sự thèm khát thú vật đó. Những người chọn bài và người chịu trách nhiệm tổng quát trong Thời Báo phải biết, đó là nỗi oan khiên vô lượng mà VC gán cho cha anh của họ.

Chẳng những không có một lời minh oan cho nạn nhân, Thời Báo còn đem bản cáo trạng lầy lụa đó trình bày trang trọng trên những trang báo của họ, rồi khi bị phát giác, sợ mất khách, mất tiền, Thời Báo mới viết mươi dòng, đổ lỗi quanh, đăng vào một ô nhỏ bằng tờ danh thiếp, đặt dưới cuối trang báo, gọi là cho có, cho qua, với những lời lẽ vờ vĩnh, xách mé, không chứng tỏ được sự thành tâm nhận lỗi.

Chính cái cách “xin lỗi” ấy đã làm cho Hội Cựu Quân QL/VNCH vùng Montréal và Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Montréal bất bình, và lên tiếng.

Điều đáng lấy làm lạ là Công giáo Việt Nam ở Canada không lên tiếng.

Thái Hà đổ máu, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu cứu, Công giáo Việt Nam ở Canada vẫn im lặng một cách khó hiểu. Hàng giáo phẩm có thể rộng lượng tha thứ, hay giữ thái độ “wait and see”, còn con chiên, họ nghĩ thế nào khi có kẽ mạt sát người Cha tinh thần của họ bằng “thằng” và gán ghép cho Ngài tội ác moi gan con gái ra ăn sống?

Im lặng là vàng? Vì thái độ im lặng mang lại lợi lộc vật chất?

Trong trường hợp này, tôi chỉ e rằng im lặng là đồng loã.



LÊ HÀ


Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com